Bộ Tài chính vừa trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó nổi bật là đề xuất áp dụng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu. Đây được xem là một giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ và góp phần ổn định thị trường bất động sản.
Việc đánh thuế Bất động sản theo thời gian sở hữu sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ
Hiện tại, thuế TNCN từ chuyển nhượng Bất động sản ở Việt Nam áp dụng mức thuế suất cố định 2% trên giá chuyển nhượng từng lần, không phân biệt thời gian nắm giữ tài sản. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, chính sách này chưa đủ sức ngăn chặn tình trạng đầu cơ Bất động sản – một nguyên nhân chính gây ra các bong bóng thị trường.
Học hỏi kinh nghiệm từ các nước, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế TNCN luỹ tiến theo thời gian sở hữu. Cụ thể, thuế suất cao nhất sẽ áp dụng cho các giao dịch diễn ra trong thời gian ngắn kể từ khi mua và giảm dần khi thời gian sở hữu kéo dài hơn.
Tương tự như ở Singapore đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua - bán đối với các Bất động sản chuyển nhượng trong năm đầu tiên; thuế suất giảm còn 50% sau 2 năm và 25% sau 3 năm. Tại Đài Loan, Bất động sản bán trong 2 năm đầu chịu thuế suất 45%, trong 2-5 năm là 35%, từ 5-10 năm là 20% và sau 10 năm là 15%.
Việc áp thuế TNCN theo thời gian sở hữu có thể làm giảm sức hấp dẫn của hoạt động mua đi bán lại nhanh để kiếm lời. Chính sách này sẽ khuyến khích sử dụng Bất động sản hiệu quả, phù hợp với chủ trương sử dụng đất đai hợp lý, đồng thời tạo áp lực lên các nhà đầu cơ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao dịch.
Dù mang lại lợi ích không nhỏ, nhưng việc áp dụng thuế TNCN theo thời gian sở hữu cũng đòi hỏi phải hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý đất đai, nhà ở và hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Ngoài ra, mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để phản ánh đúng thực trạng thị trường bất động sản, tránh tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho người mua bán Bất động sản chính đáng.
Trong bối cảnh giá nhà tăng không ngừng, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM, chính sách này có thể làm giảm áp lực giá Bất động sản. Khi đầu cơ bị hạn chế, nguồn cung nhà ở sẽ được phân bổ hợp lý hơn, giúp người dân, đặc biệt là những người mua nhà lần đầu, có cơ hội tiếp cận nhà ở với giá hợp lý.
Đặc biêt, trước tình trạng các dự án nhà liền kề, shophouse, biệt thự bỏ hoang ở nhiều địa phương, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng cũng đang xem xét bổ sung chính sách đánh thuế cao đối với Bất động sản bỏ hoang, không sử dụng.